close

Tín hiệu vui từ công trường điện gió ngoài khơi

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 5 của châu Á. Tại thành phố Vũng Tàu hiện đang có những bước đi khởi động để khai thác nguồn tài nguyên này do Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện.

Công nhân và kỹ sư Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí hoàn thiện chân đế điện gió ngoài khơi theo hợp đồng với đối tác nước ngoài

Đến thăm căn cứ chế tạo của cảng PTSC rộng hơn 200 ha tại (phường 9, thành phố Vũng Tàu) những ngày đầu tháng 3/2024, tại đây như một đại công trường, với hàng nghìn công nhân, kỹ sư đang hối hả làm việc, nhiều tiếng ồn do thiết bị, máy móc đang vận hành liên tục, các nhà xưởng đang được sử dụng hết công suất, tất cả đều quyết tâm hoàn thành mục tiêu chế tạo chân đế điện gió, các trạm biến áp điện gió ngoài khơi đúng tiến độ, ngoài bến cảng là những chiếc tàu cung cấp vật tư, thiết bị đang lần lượt vào cảng để cung cấp những vật tư cần thiết. Những năm qua, PTSC là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam trúng các gói thầu quốc tế thi công chân đế điện gió ngoài khơi, trạm biến áp điện gió cho các chủ đầu tư nước ngoài. Đến nay đã có nhiều chân đế, cấu kiện cơ khí do PTSC chế tạo được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Bắc Âu.

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết: PTSC đã có hơn 30 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các dự án dầu khí lớn trong nước và quốc tế. Trong đó, với lĩnh vực cơ khí dầu khí đã có hơn 100 dự án được thực hiện thành công ở trong và ngoài nước; đặc biệt, các dự án PTSC trúng thầu quốc tế là những dự án đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, tiến độ. Nhờ vậy, đến nay PTSC được các chuyên gia đánh giá có đầy đủ năng lực để đầu tư phát triển dự án cũng như cung cấp chuỗi dịch vụ cho ngành điện gió ngoài khơi.

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường báo cáo tiến độ các dự án với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Biết đến thương hiệu của PTSC qua các dự án cơ khí dầu khí, các chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi của nước ngoài đã nhiều lần đến tham quan và kiểm tra năng lực của PTSC. Bởi, giữa dầu khí và điện gió ngoài khơi có rất nhiều nét tương đồng có thể bổ trợ cho nhau. “PTSC hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ chế tạo trạm biến áp, chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi.

Với nền tảng, nguồn lực, phương tiện, đội ngũ lao động dày dạn, đã “chinh chiến” và thực hiện thành công có chất lượng cao ở nhiều nơi, chúng tôi tự tin đáp ứng được yêu cầu từ khách hàng quốc tế”, ông Lê Mạnh Cường khẳng định. Với mặt bằng rộng lớn, có đầy đủ các trang thiết bị, nhà xưởng, cầu cảng, trong đó có những trang thiết bị hiện đại bậc nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các chủ đầu tư đã chọn PTSC làm đối tác. Điều này được minh chứng trong thời gian qua, PTSC đã được các nhà phát triển điện gió ngoài khơi quốc tế tin tưởng lựa chọn tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.

Cụ thể, vào tháng 5/2023, PTSC đã trúng thầu và ký hợp đồng với Tập đoàn Orsted để chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió cho dự án trang trại điện gió ngoài khơi CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc) có tổng công suất 920 MW. PTSC cũng đã ký và đang thực hiện các hợp đồng thiết kế và chế tạo chín trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu (khu vực biển Baltic).

Các dự án này có tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 1,5 tỷ USD và 100% được chế tạo tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Các dự án đã tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn công nhân và kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ khác. Đặc biệt, năm qua PTSC tự hào vì đã được Chính phủ Singapore lựa chọn để hợp tác với đối tác Sembcorp (Singapore) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi 2.3 GW ở Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết: Ngoài ngành công nghiệp hóa dầu tỉnh còn có ngành công nghiệp mới nổi và tiềm năng là ngành chế tạo thiết bị điện gió. Chúng tôi có tiềm năng, lợi thế vượt trội so với các địa phương khác về ngành này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhận định: Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô lớn; trong đó, có một số doanh nghiệp sản xuất thép đặc biệt, có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu.

Các doanh nghiệp sản xuất thép của tỉnh cần xác định chiến lược lâu dài, có hướng đầu tư công nghệ, nhà máy, dây chuyền sản xuất phù hợp để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu cung ứng cho các dự án như PTSC đang và sẽ triển khai, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Một góc đại công trường nhìn từ trên cao ở cảng PTSC rộng hơn 200ha tại phường 9, thành phố Vũng Tàu

Với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 600 GW… Nguồn tài nguyên này là cơ hội để Việt Nam có thể cung cấp một nguồn năng lượng xanh lớn với chi phí hiệu quả nhằm phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp dần cạn kiệt, đồng thời hỗ trợ đất nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Đáng chú ý,

Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành cũng nhấn mạnh đến việc phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi, trong đó quan trọng nhất là không hạn chế phát triển điện gió xuất khẩu. Với xu thế của thế giới và tiềm năng tài nguyên điện gió như trên, các chuyên gia nhận định rằng, giai đoạn hiện nay chính là “thời điểm vàng” để Việt Nam khởi động và nhập cuộc vào ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, PTSC đang làm chủ một khâu rất khó và phức tạp trong thiết kế, chế tạo các thiết bị điện gió ngoài khơi mà trên thế giới không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực làm được. PTSC đã tìm tòi và tìm ra hướng đi có tính lịch sử trong phát triển điện gió ngoài khơi, đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong chuyển đổi khoa học công nghệ lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Singapore, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Phó Thủ tướng cũng cho rằng ý tưởng của PTSC đề xuất xây dựng một Trung tâm năng lượng tái tạo tại Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành, các tập đoàn và tỉnh ủng hộ khi đề án được xây dựng khoa học, có lộ trình rõ ràng.

Mặc dù, tiềm năng điện gió ngoài khơi như đã nói, nhưng đến nay việc tham gia phát triển điện gió ngoài khơi của các nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý, quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Ngoài ra pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án loại này; quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió cũng chưa có...

Do đó, để phát triển lĩnh vực này, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Ông Lê Mạnh Cường đề xuất: Để có một thị trường đồng bộ, hoàn chỉnh về sau, trước hết cần phải có ngay giải pháp. Và giải pháp là cần có phương án, dự án “thí điểm”. “Việt Nam cần nhanh chóng lựa chọn các nhà đầu tư, có các định chế đặc cách, đặc biệt, sau đó là hoạch định chính sách, kết nối, khởi tạo chuỗi cung ứng”, ông Cường nói.

Với nhu cầu cần thiết phát triển điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo trong khi chưa kịp xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách ổn định, lâu dài, Chính phủ cần có các văn bản, cơ chế, đề án cho phép Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, PTSC và các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện… áp dụng triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi theo cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù. “PTSC kiến nghị Chính phủ sớm có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển điện gió ngoài khơi để phát huy nội lực, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tham gia vào lĩnh vực này”, ông Cường đề nghị.

Cuối tháng 8/2023, PTSC đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển. Tháng 10/2023, đối tác của PTSC là Sembcorp cũng được cấp giấy phép nhập khẩu điện có điều kiện từ Cơ quan Quản lý thị trường Năng lượng Singapore (EMA). Ông Lê Mạnh Cường cho biết: Trong năm 2024 PTSC sẽ tiến hành khảo sát ngoài khơi.

Theo Báo Nhân Dân.