Sáng kiến khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải tại Đông Nam Á
Kuala Lumpur, ngày 26 tháng 5 năm 2025 – Các doanh nghiệp năng lượng hàng đầu từ Malaysia, Singapore và Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác Phát triển (JDA-02) nhằm nghiên cứu khả năng xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình tăng cường hợp tác năng lượng khu vực, thể hiện quyết tâm chung của các bên trong việc thúc đẩy hội nhập lưới điện ASEAN và chuyển dịch năng lượng thông qua các giải pháp thương mại bền vững. Theo thỏa thuận này, phía Malaysia, thông qua Liên danh Năng lượng Malaysia (MYEC) giữa Tenaga Nasional Berhad (TNB) và Petroliam Nasional Berhad (PETRONAS) sẽ tham gia vào dự án xuất khẩu điện năng lượng tái tạo sang Singapore của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd, công ty con của Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore). Hơp tác này là minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập năng lượng trong khu vực và hiện thực hóa lưới điện ASEAN. Theo nội dung của thỏa thuận, Petronas và TNB sẽ tham gia vào dự án của PTSC và Sembcorp, các bên sẽ cùng nghiên cứu tính khả thi của phương án xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore thông qua tuyến cáp ngầm, kết nối với lưới điện quốc gia của bán đảo Malaysia, đồng thời xem xét khả năng bổ sung của nguồn điện và hệ thống lưu trữ để nhằm đảm bảo tính ổn định. Các bên sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan trong suốt quá trình phát triển dự án, từng bước hoàn thiện các thủ tục phê duyệt cần thiết để góp phần thúc đẩy kết nối lưới điện và hợp tác năng lượng xuyên biên giới.

Là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm nâng cao phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế. “Việc Malaysia tham gia sáng kiến này thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với tầm nhìn về lưới điện ASEAN, hướng đến việc củng cố an ninh năng lượng của khu vực thông qua việc xây dựng trung tâm trung chuyển điện. Quan hệ đối tác ba bên này đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng xanh xuyên biên giới, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, đồng thời cung cấp nguồn điện ổn định và thân thiện với môi trường cho các cộng đồng và doanh nghiệp. Đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực chung hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không,” đại diện MYEC – ông Datuk Ir. Megat Jalaluddin Megat Hassan, Tổng Giám đốc Tenaga Nasional Berhad và ông Tan Sri Tengku Muhammad Taufik, Tổng Giám đốc Tập đoàn PETRONAS nhấn mạnh trong tuyên bố chung.
Ông Trần Hồ Bắc - Tổng Giám đốc PTSC và các đối tác tại buổi lễ
Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đang thúc đẩy tầm nhìn chiến lược để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, với cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Đông Nam Á. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã xác định điện gió ngoài khơi là một trong những ưu tiên quốc gia và đang tích cực chỉ đạo các chính sách cụ thể để nhằm phát triển lĩnh vực này. Điều đó thể hiện quyết tâm cao và định hướng chiến lược rõ ràng của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững. Thông qua hợp tác ba bên này, Việt Nam hướng đến việc mở ra các cơ hội kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, đồng thời củng cố cam kết chung của ASEAN về một hệ sinh thái năng lượng bền vững với phát thải thấp. “Thỏa thuận này thể hiện vai trò của PTSC nói riêng và PVN nói chung trong việc hiện thực hóa các chiến lược về chuyển dịch năng lượng. Chúng tôi kỳ vọng thỏa thuận này sẽ được triển khai hiệu quả, bởi đây sẽ là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.” ông Trần Hồ Bắc – Tổng Giám đốc PTSC chia sẻ.

Singapore đặt mục tiêu nhập khẩu khoảng 6GW điện phát thải thấp đến năm 2035, tương đương khoảng một phần ba tổng nhu cầu điện quốc gia vào thời điểm này. Việc kết nối các lưới điện trong khu vực không chỉ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo mà còn góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về lưới điện ASEAN. Ông Wong Kim Yin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sembcorp Industries cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia vào sáng kiến mang tính đột phá này, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với hợp tác khu vực. Thỏa thuận này nhấn mạnh vai trò chiến lược của Singapore như một trung tâm tiêu thụ năng lượng cũng như là nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy nhập khẩu điện xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các mục tiêu giảm phát thải. Sembcorp sẽ tiếp tục đóng góp vào tiến trình chuyển dịch năng lượng phát thải thấp của ASEAN thông qua việc phát triển hạ tầng chung và củng cố các mối quan hệ đối tác.” Thỏa thuận này hướng tới việc mở ra một mô hình hợp tác năng lượng tái tạo xuyên biên giới có thể mở rộng trong khu vực Đông Nam Á, qua đó đưa khu vực trở thành hình mẫu toàn cầu về giải pháp khử carbon và chuyển dịch năng lượng dựa trên nền tảng hợp tác. Lễ trao chính thức giữa MYEC, PTSC và Sembcorp diễn ra bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 26 tháng 5 năm 2025. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc triển khai hợp tác ba bên, khẳng định cam kết chung nhằm thúc đẩy thương mại điện sạch xuyên quốc gia. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chung trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về lưới điện ASEAN và tăng cường kết nối năng lượng khu vực theo hướng bền vững và linh hoạt hơn.
Trần Thị Huyền Trang