close

Tập trung tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc cho PVN

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) đã có buổi làm việc đầu tiên với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban QLVNN và đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV PVN đồng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Thị Phú Hà và lãnh đạo các vụ chuyên môn của Ủy ban. Về phía PVN có Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, các Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc PVN, lãnh đạo các đơn vị thành viên và các Ban chuyên môn Tập đoàn.


Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn giới thiệu tổng thể về hoạt động của PVN.

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã báo cáo đoàn công tác của Ủy ban QLVNN về bức tranh tổng thể hoạt động và một số tồn tại thực tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Theo đó, PVN hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung vào 5 lĩnh vực chính gồm: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; chế biến – tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy Công ty Mẹ – Tập đoàn còn 15 Ban chuyên môn và Văn phòng, giảm 8 đầu mối so với trước đây. Hiện nay PVN có 37 đơn vị thành viên, ban quản lý dự án trực thuộc Tập đoàn. Tổng số lượng cán bộ công nhân viên người lao động của PVN vào khoảng 60 ngàn người với 9% có trình độ trên đại học, 50% trình độ cử nhân và 41% là công nhân lành nghề.


Phó Chủ tịch Ủy abn QLVNN Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Trong những năm qua, PVN luôn có đóng góp lớn cho kinh tế đất nước. Giai đoạn trước năm 2015, mỗi năm trung bình PVN đóng góp từ 19-27% GDP. Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp từ 10-13% GDP. Tương tự với đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, trước năm 2015, trung bình PVN cũng nộp ngân sách nhà nước mỗi năm từ 22-25% tổng thu ngân sách, từ năm 2015 đến nay cũng đóng góp từ 8-11% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tính đến hết tháng 9 năm 2018, PVN đã tạo dựng tổng tài sản hơn 778,5 nghìn tỉ đồng (tương đương 34 tỉ USD). Giai đoạn từ năm 2011 – 2017, giá trị tổng tài sản PVN tăng trung bình 8%/năm. Về vốn chủ sở hữu, PVN cũng đã đạt hơn 450 nghìn tỉ đồng và trong 8 năm qua nguồn vốn chủ sở hữu của PVN cũng tăng khoảng 10%/năm.

Trong 11 tháng qua, PVN đã khai thác được gần 21 triệu tấn dầu quy đổi, sản xuất gần 1,5 triệu tấn phân đạm, gần 19 tỉ kWh điện thương phẩm và 8,53 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại.


Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng thẳng thắn nêu ra những khó khăn vướng mắc về cơ chế tài chính, đầu tư của PVN trong tình hình mới, một số bất cập trong các luật đầu tư, đấu thầu, xây dựng… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của PVN trong lĩnh vực thăm dò khai thác, dịch vụ dầu khí, chế biến dầu khí và các dự án của PVN làm đang làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo các đơn vị của Tập đoàn như Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đại diện các đơn vị cũng nêu lên những khó khăn thực tại mà các doanh nghiệp dầu khí đang phải đối mặt.

Sau khi nghe lắng nghe các ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên, Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Thị Phú Hà cũng chỉ ra hàng loạt các bất cập trong các luật về đầu tư công, tài chính, xây dựng đang tồn tại nhiều bất cập có ảnh hưởng đến hoạt động của PVN. Đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà khẳng định trong thời gian tới sẽ làm việc chặt chẽ với lãnh đạo PVN để phối hợp, tổng hợp các vấn đề bất cập trong Luật Dầu khí, các luật về đầu tư công, xây dựng… để trình lên Ban Thường vụ Quốc hội, tìm hướng giải quyết cho PVN.


Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh kết luận hội nghị.

Phát biểu tại làm việc, đồng chí Trần Sỹ Thanh một lần nữa nhấn mạnh những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách, đặc biệt là những bất cập và chồng chéo trong luật pháp gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên. PVN đang rất cần sửa đổi Luật Dầu khí sao cho phù hợp với thực tiễn và tương lai của ngành dầu khí Việt Nam. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban QLVNN sớm có quy chế phối hợp làm việc thường xuyên với PVN, cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đặc biệt là công tác triển khai, khắc phục các dự án còn yếu kém, chậm tiến độ của Tập đoàn.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, những vấn đề phát sinh như nhà đầu tư nước ngoài trả mỏ, xác định giá khí, và sự chậm trễ về tìm kiếm nguồn dầu gia tăng trữ lượng sẽ gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng khai thác dầu khí trong những năm tới, ảnh hưởng lớn đến chiến lược ngành Dầu khí cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn lớn đối với bảo toàn phát triển vốn đầu tư nhà nước.


Toàn cảnh hội nghị trao đổi công tác giữa Ủy ban QLVNN và PVN.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông đối với những khó khăn thách thức của PVN. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh cho rằng tất cả các tồn tại, vướng mắc đều phải được tháo gỡ theo đúng bài bản. Các dự án PVN đang đầu tư, các kiến nghị về cơ chế, Luật Dầu khí, Hợp đồng dầu khí… vẫn cần tiếp tục làm một cách chặt chẽ, liên tục.

“Tôi cũng là người làm kinh tế nên tôi hiểu doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì rủi ro càng nhiều, Ủy ban sẽ làm cầu nối tích cực nhất để PVN tiếp tục kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành”, Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh nói.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, PVN cần phân định rõ ràng từng công việc, từng dự án đâu là nhiệm vụ chính trị, đâu là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Với sản xuất kinh doanh thì mục tiêu hàng đầu là tính hiệu quả, còn nhiệm vụ chính trị thì cần phải có cơ chế rõ ràng về phương thức thực hiện, tài chính… trước khi triển khai để tránh rơi vào tình trạng “sự đã rồi”.

Thành Công